ENGLISH   -  

 

 

 

 

Tác giả :

TỔNG HỢP CÁC CÂU HỎI – ĐÁP
ĐỐI THOẠI VỚI SINH VIÊN

(Học kỳ I – Năm học 2022 - 2023)

Câu 1: Cần bao nhiêu tín chỉ để đăng ký đồ án tốt nghiệp? Tính theo số TC tự chọn + TC tích luỹ hay chỉ tính mỗi số TC tích luỹ thôi ạ?

Trả lời: Tùy điều kiện thực tế bộ môn và khoa sẽ xem xét số tín chỉ tối thiểu mà sinh viên cần phải tích lũy để có thể thực hiện đồ án tốt nghiệp. Thông thường số tín chỉ sinh viên còn nợ theo tiến độ học tập không vượt quá 6 TC không phân biệt loại học phần tự chọn hay bắt buộc nhằm mục đích để sinh viên có thời gian tập trung làm đồ án thay vì phải học trả nợ quá nhiều.

Câu 2: Bảng quy đổi điểm TOEIC sang các anh văn 1234 là bao nhiêu?

Trả lời: Nhà trường đã ban hành qui định qui đổi điểm TOEIC (dạng chứng chỉ quốc tế) sang các học phần Anh văn 1,2,3,4 theo đó điểm qua môn của Anh văn 1 là TOEIC 325, Anh văn 2 là TOEIC 425, Anh văn 3 là TOEIC 500, Anh văn 4 là TOEIC 550. SV cần truy cập vào trang Web của phòng đào tạo để nắm rõ qui chế học vụ và các văn bản liên quan (mục Đại học Chính quy > Qui trình, qui chế, qui định)

Câu 3: Đồ án tốt nghiệp có các nội dung yêu cầu ra sao, và thời hạn làm trong bao lâu, vai trò của giảng viên hướng dẫn ở đây là gì? Khi sinh viên chọn phát triển đồ án tốt nghiệp từ ĐACN hay ĐATK thì có những yêu cầu gì khác để hoàn thiện được 1 ĐATN?

Trả lời: Đồ án tốt nghiệp là một sản phẩm khoa học của sinh viên các chương trình đại học được thực hiện ở học kỳ cuối cùng. Đồ án thường mang tính thực hành cũng có thể gọi là luận văn nếu mang tính lý thuyết, do vậy đồ án tốt nghiệp cần có tính thực tiễn (khả năng ứng dụng hay giải quyết một vấn đề) và có tính mới (chưa được ai thực hiện). Đồ án có thể phát triển từ đồ án công nghệ hay đồ án thiết kế nếu đáp ứng các yêu cầu như trên.

Câu 4: Trong CTĐT thì nó chưa được thay đổi nhiều lắm so với trước đây nhưng hiện nay bên ngoài thị trường lao động đang ngày càng thay đổi về cách thức làm việc lẫn công nghệ thì không biết là sắp tới CTĐT có sự thay đổi để đáp ứng được nhu cầu lao động đang cần hay không?

Trả lời: Thực tế, CTĐT hiện nay thường xuyên được thay đổi định kỳ 4 năm sau khi vận hành xong một chu kỳ đào tạo (một khóa sinh viên tốt nghiệp), bên cạnh đó mỗi năm bộ môn và khoa cũng tiến hành cập nhật một số thay đổi để phù hợp với thực tế sản xuất kinh doanh thông qua sự góp ý của các bên liên quan (doanh nghiệp, sinh viên, giảng viên). Việc thay đổi này là bắt buộc do phải đảm bảo các tiêu chuẩn kiểm định như AUN-QA hay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Câu 5: Trong quá trình học chưa có những môn chuyên dạy về kỹ năng mềm cho sinh viên mà chỉ có những buổi chuyên đề ngắn gọn lẫn kiến thức hơi khó hiểu gây lãng phí thời gian?

Trả lời: Các CTĐT đào tạo nói chung không thiết kế các môn kỹ năng mềm vì các kỹ năng này phải hình thành qua quá trình tự rèn luyện. Tuy vậy, tất cả các môn học đều tạo điều kiện cho sinh viên cơ hội rèn luyện kỹ năng này thông qua việc thuyết trình, trình bày tiểu luận, soạn thảo văn bản… Bên cạnh đó các hoạt động Đoàn hội, câu lạc bộ sinh hoạt… đều là môi trường rèn luyện kỹ năng cho sinh viên đảm bảo các chuẩn đầu ra về kỹ năng mềm của từng chương trình đào tạo.

Câu 6: Các môn học chưa được giới thiệu hay giải thích ngắn gọn về nội dung học mà chỉ đưa ra tên môn học, sinh viên phải chọn theo cảm tính nên không biết sau này học có áp dụng gì cho công việc gì?

Trả lời: Điều này không đúng. SV chưa lên trang web khoa để xem chi tiết chương trình đào tạo, mô tả vắn tắt học phần và đề cương chi tiết (mục đích môn học, nội dung, phương pháp giảng dạy, phương pháp đánh giá, tài liệu tham khảo….). Để hiểu rõ hơn về môn học, SV hoàn toàn có thể tự tìm hiểu qua rất nhiều kênh thông tin khác nhau (ví dụ tư vấn viên, giảng viên, các anh chị cùng ngành).

Câu 7: Tại sao không có chuyên đề định hướng chọn học các môn tự chọn cho sinh viên? Lúc đăng kí môn, lớp trưởng cũng tham mưu ý kiến của thầy Châu, nhưng nếu lớp trưởng nào và khóa nào cũng vậy thì rất tốn khá nhiều thời gian của thầy. Nếu không tham mưu ý kiến của thầy thì có thể chọn sai hướng so với hướng đồ án sau này.

Trả lời: Cảm ơn ý kiến đóng góp của em, thật ra trong môn nhập môn ngành CNM giáo viên phụ trách môn học có trình bày cho các em về chương trình đào tạo, về các môn học tiên quyết, môn tự chọn, môn cơ sở ngành, môn chuyên ngành và môn liên ngành. Ngoài ra còn có đội ngũ tư vấn viên trả lời các thắc mắc của các em chính sách CTDT, tư vấn và thông báo cho các em về việc học, tham gia Đoàn hội, công tác Xã hội, các cuộc thi. Nhưng để thuận tiện cho các em trong việc lựa chọn môn học tự chọn thầy và ban chủ nhiệm khoa sẽ gặp lớp 1 buổi trong môn nhập môn ngành để tư vấn, định hướng và giải đáp các thắc mắc để các bạn tự tin và có định hướng cụ thể cho tương lai của mình. Xin cảm ơn!

Câu 8: Năm 2, năm 3 em nghĩ sinh viên cần được thầy cho chia sẽ các định hướng về đồ án và hướng đi thực tập ạ? Quan điểm của em là khoảng thời gian năm 2 năm 3 so với các ngành khác đã bắt đầu làm đồ án, nhưng sinh viên nếu chưa được kể từ các anh chị thì sẽ không nắm được đồ án mình sẽ làm là gì, nhưng nắm được hướng đi đồ án thì em nghĩ sinh viên biết mình nên tập trung vào các môn học hay phần nào trong môn học đó ạ.

Trả lời: Rất cảm ơn ý kiến của các em, Thầy sẽ ghi nhận và sẽ sắp xếp thời gian họp với lớp lúc đầu năm 3 để chia sẽ cho các bạn một số định hướng về đồ án và khóa luận tốt nghiêp như các em mong muốn. Thật ra sinh viên năm 3 cũng chưa thể làm làm đồ án hoặc khóa luận trước được (học vượt) vì có rất nhiều môn chuyên ngành nâng cao ở học kỳ 6, 7 và đặc biệt sau khi học các môn đồ án và đi thưc tập tốt nghiệp các em sẽ có 1 cái nhìn khác để định hướng cho khóa luận tốt nghiệp của mình

Câu 9: Vấn đề cơ sở vật chất trong xưởng. Một số máy may đã cũ, có nhiều bộ phận hư chưa được thay sửa, gây khó khăn cho nhiều sinh viên trong thực hành.

Trả lời: Hiện tại, các xưởng may có nhân viên hỗ trợ sửa chữa khi thiết bị xảy ra hư hỏng nhẹ và có thiết bị sẵn thay thế như: cụm đồng tiền , cụm chân vịt và trụ kim… Tuy nhiên, với những hư hỏng lớn đề nghị Quý Thầy Cô dạy xưởng thông báo với BCN khoa để đánh giá hư hỏng và đề xuất nhà trường hỗ trợ hoặc thuê các đơn vị cung cấp sửa chữa. (Thầy Hậu, Thầy Châu)

Câu 10: Sinh viên hi vọng có thêm nhiều phòng có trang bị máy may hiện đại như phòng may mẫu, để tiếp cận gần hơn với các công nghệ mới.

Trả lời: Khoa xin tiếp nhận ý kiến đóng góp và sẽ đề xuất theo kế hoạch mua sắm hàng năm do nhà trường phân bổ kinh phí. Tuy nhiên, việc đầu tư thiết bị cho các cơ sở đào tạo không thể so sánh với thực tế tại các doanh nghiệp, bởi vì, Khoa chỉ là đơn vị đào tạo nên việc đầu tư cần xem xét đến hiệu quả sử dụng khi triển khai giảng dạy và nghiên cứu khoa học làm thế nào đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho các ngành đào tạo. Thầy Hậu

Câu 11: Vấn đề học tập, đối với các môn chuyên ngành như Công nghệ sản xuất ngành may, cần được sự hỗ trợ của khoa đến các công ty để trải nghiệm thực tế và hiểu được các qui trình được học trong giáo trình một cách sâu sắc hơn.

Trả lời: Khoa luôn tạo điều kiện để sinh viên có cơ hội đi tham quan thực tế. Tuy nhiên cũng cần dựa trên điều kiện các môn học, thời gian, kinh phí và yêu cầu của môn học. Thông thường sinh viên sẽ được tham quan thực tế ít nhất 01 lần trong toàn khóa học thông qua môn Nhập môn ngành hoặc môn công nghệ sản xuất (không tính thời gian thực tập tại xí nghiệp 2 tháng ở học kỳ cuối).

Câu 12: Trong buổi chuyên đề về chuyển đổi số vừa rồi. Em đã được phổ cập thêm thông tin về phần mềm Vstitcher. Em không biết liệu sắp tới khoa có thể tạo cơ hội để chúng em thực hành với phần mềm này hay sẽ có môn học về phần mềm thiết kế khác (ngoài Corel Draw) không ạ?

Trả lời: Theo xu hướng chuyển đổi số hiện nay, khoa và bộ môn đã cập nhật cho giáo viên phần mềm Vstitcher và cũng đã tổ chức buổi chuyên đề doanh nghiệp cho sinh viên các  khóa có thể cập nhật, theo ký kết MOU với công ty và bên phần mềm họ sẽ tài trợ cho khoa chúng ta 60 account có bản quyền để giảng dạy. Hiện tại bộ môn may đã đưa môn học này vào CTDT khóa 2023 và phân công giáo viên biên soạn để giảng dạy, Thầy sẽ cố gắng sớm nhất đưa môn học này vào giảng dạy trong môn Chuyên đề tốt nghiệp cho các khóa 2019, 2020, 2021, 2022 nếu giáo viên soạn hoàn chỉnh ND giảng dạy và giáo trình

Câu 13: Nếu như học kỳ 1 mình rớt môn thì sang học kì 2 mình phải đăng kí học lại luôn hay phải chờ tới lúc môn học ấy mở thì mới đăng kí học lại được.

Trả lời: Tùy thuộc học phần này có mở ở học kỳ tiếp theo và thời khóa biểu của sinh viên có phù hợp để đăng ký hay không.

Câu 14: Nếu mình học tiếng Anh ở ngoài, trong thời gian chờ có bằng nộp vào trường để quy ra điểm rồi thì có bắt buộc học tiếng Anh ở trường không.

Trả lời: Tiếng Anh ở ngoài ở đây phải là tiếng Anh quốc tế (TOEIC, TOEFL, IETLS…). Sinh viên không nhất thiết phải học Anh văn 1,2,3,4 tại trường nếu xác định sẽ nộp những chứng chỉ quốc tế để qui đổi điểm cho các môn trên. Tuy nhiên SV cần lưu ý thời gian nộp (tiến độ) để không bị trừ điểm qui đổi theo qui định.

Câu 15: Để điểm GPA cao thì nên cần có chiến lược học như thế nào ạ.

Trả lời: Để có điểm GPA cao thì điều kiện tiên quyết là SV phải nỗ lực trong học tập (đặc biệt cần học tập chăm chỉ, tích cực trau dồi thêm kiến thức). Bên cạnh đó, SV cần tìm ra phương pháp học tập khoa học và phù hợp với riêng mình.

Câu 16: Học bổng có anh chị học chung trường khi anh chị ra trường rồi có còn được nhận nữa không

Trả lời: Tiêu đề Thông báo học bổng đã ghi rõ: TB Về việc tiếp nhận hồ sơ xét học bổng “thí sinh trúng tuyển nhập học có anh, chị, em ruột đang học hoặc đã tốt nghiệp từ Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM” học kỳ 1 năm học 2022-2023

Câu 17: Học bổng anh chị em sang học kỳ đăng kí lại được không, tại vì học kì 1 hết hạn nên em chưa đăng kí được

Trả lời: Sinh viên đăng ký bổ sung ở HK2 và sẽ được hưởng từ HK2.

Câu 18:  Nếu phần mình bị nợ học phí ở học kì 1, sang học kì 2 mình đóng luôn được không, với lại nếu làm vậy có bị phạt trừ điểm hay sao không.

Trả lời: Sinh viên nên đóng học phí đúng hạn. Trường hợp khó khăn SV cần làm đơn để nhà trường xem xét gia hạn đóng học phí. Trường hợp SV bị quá hạn phải đóng ngay sau đó trước khi thực hiện đăng ký môn học cho học kỳ tiếp theo. Nếu SV chưa đóng thì không thể đăng ký môn học. Bên cạnh đó, SV bị vi phạm về chính sách học phí sẽ bị hình thức kỷ luật theo qui định (dạng khiển trách) và hạ bậc xét tốt nghiệp.

Câu 19: Anh văn nếu mình học trong trường thì chừng nào mình đăng ký học?

Trả lời: Đối với tân sinh viên, đăng ký học các môn Anh văn 1,2,3,4,5 theo thông báo của Phòng đào tạo (gửi qua email của SV và trên trang online về đăng ký môn học).

Câu 20: Nếu học vượt thì nên chọn những môn nào để học trước?

Trả lời: SV có nhu cầu học vượt để rút ngắn tiến độ cần xem đề cương chi tiết của môn sẽ học vượt (của học kỳ sau), môn học cần trước, môn tiên quyết hoặc kiến thức cần có trước để có thể tiếp thu được môn sẽ học vượt.

Câu 21: Nên lựa chọn những môn học tự chọn nào để đăng kí học phần?

Trả lời: CTĐT có đưa ra các môn tự chọn phù hợp cho từng học kỳ. Các môn tự chọn gồm ba mảng: đại cương, cơ sở ngành, chuyên ngành, liên ngành. SV xem tiến độ từng học kỳ để lựa chọn môn học đúng theo mảng yêu cầu trong CTĐT. SV nên lựa chọn môn học phù hợp với nhu cầu của bản thân và có thể tham khảo ý kiến từ các trưởng/phó bộ môn, tư vấn viên.

Câu 22: Những điều kiện cần thiết để được nhận học bổng?

Trả lời: Học bổng có nhiều loại, điều kiện để được nhận học bổng được thể hiện theo từng thông báo của học bổng đó. Sinh viên cần đọc kỹ thông báo để tiếp nhận thông tin chính xác

Câu 23: Cách học các môn chuyên ngành hiệu quả ?

Trả lời: Sinh viên cần có kế hoạch học tập phù hợp với năng lực tiếp thu của bản thân. Sinh viên tự đánh giá thế mạnh của bản thân để lựa chọn hướng phù hợp để phát triển nghề nghiệp bên cạnh các kiến thức chuyên ngành khác phải đạt để ra trường. Mỗi sinh viên sẽ phù hợp với mảng chuyên ngành hay vị trí công việc phù hợp nên cần xác định được mục tiêu để tập trung hiệu quả việc tiếp thu kiến thức và phát triển năng lực chuyên môn của bản thân.

Câu 24: Có nên học vượt ở học kì 2 không? Nếu có thì phương pháp như thế nào để chúng em học tập được hiệu quả?

Trả lời: Việc học vượt cần dựa vào năng lực tiếp thu của sinh viên, khả năng tài chính và thời gian biểu phù hợp. Bên cạnh đó, việc học vượt cần xem xét khía cạnh các kiến thức trước đó cần có (môn học trước) để đảm bảo yêu cầu của môn học (để không bị rớt môn vì kiến thức bị hổng không thể tiếp thu môn học)

Câu 25: Công nghệ may gồm những chuyên ngành nào và nên lựa chọn như thế nào?

Trả lời: Ngành Công nghệ May hiện nay chưa chia thành các chuyên ngành. Tuy vậy, hiện nay SV có thể lựa chọn các mảng kiến thức thuộc các mảng sau để thực hiện đồ án tốt nghiệp, nghiên cứu hoặc tự phát triển chuyên môn gồm: vật liệu dệt, tin học ứng dụng, công nghệ sản xuất, quản lý tổ chức sản xuất, thiết kế trang phục, quản lý đơn hàng…

 

Câu 26: Hiện tại em đang học hệ đại trà và có mong muốn chuyển sang hệ chất lượng cao thì mình phải làm như thế nào ạ ?

Trả lời: SV làm đơn theo mẫu của Phòng tuyển sinh và Công tác sinh viên, sau đó xin ý kiến của các Trưởng Khoa (khoa chuyển đến và khoa chuyển đi).

Câu 27: Trường hoặc khoa có hỗ trợ sinh viên tìm việc làm sau khi tốt nghiệp không ?

Trả lời: Trường, khoa, bộ môn và giảng viên thường xuyên hỗ trợ sinh viên các thông tin về việc làm thông qua nhiều kênh khác nhau. Nhà trường tổ chức Ngày hội việc làm ngay trước Lễ bảo vệ tốt nghiệp, Trên các website và fanpage của Khoa cũng thường xuyên đăng tải các thông tin việc làm. Sinh viên cũng có thể chủ động liên hệ khoa, bộ môn để được hỗ trợ, tư vấn về việc làm.

Câu 28: Cách tính điểm các môn học như thế nào ?

Trả lời: Trong CTĐT, yêu cầu chung của các môn học đều có hai phần đánh giá là quá trình và cuối kỳ với tỷ lệ 50:50 (%) (Trừ một số môn học không có đánh giá quá trình). Số lượng bài tập kiểm tra đánh giá và tỷ trọng của từng bài là tùy theo môn học (được quy định trong đề cương chi tiết của môn học). Điểm học phần = điểm QTx50% + điểm CKx50%. Trong đó, điểm QT hay CK = tổng điểm của các bài tập x tỷ trọng của bài tập tương ứng.

Câu 29: Dưới mấy điểm thì rớt môn ?

Trả lời: Theo qui chế đào tạo mới, sinh viên dưới 4.0 điểm thì sẽ không đạt điểm tích lũy. Tuy vậy, điểm trung bình tích lũy của toàn khóa học sinh viên phải trên 5.0 điểm

Câu 30: Làm cách nào để không sao nhãng những môn đại cương khi mà những môn chuyên ngành lấn át quá nhiều thời gian học tập?

Trả lời: Sinh viên cần có kế hoạch học tập phù hợp với năng lực tiếp thu của bản thân. Sinh viên cần cân đối các bài tập để đạt được mục tiêu chung. Bên cạnh đó, SV cũng cần tìm ra một số giải pháp và phương pháp học tập để đạt hiệu quả. SV viên không nên đăng ký quá nhiều môn học trong một học kỳ để đảm bảo tải trọng và khả năng lĩnh hội của bản thân.

Câu 31: Một kì được đăng ký tối đa bao nhiêu tín chỉ ?

Trả lời: Một học kỳ tối thiểu 10tc và không quá 28tc. SV chú ý mức để nhận được học bổng là tối thiểu 15 TC/HK, trừ trường hợp HK cuối làm khóa luận tốt nghiệp. Sinh viên cần có kế hoạch học tập phù hợp với năng lực tiếp thu của bản thân. SV viên không nên đăng ký quá nhiều môn học trong một học kỳ để đảm bảo tải trọng và khả năng lĩnh hội của bản thân.

Câu 32: Mấy môn học tự chọn thì một kì được chọn bao nhiêu môn ?

Trả lời: Tùy thuộc chương trình đào tạo mà các môn tự chọn được thiết kế bao nhiêu học phần. Nhà trường không giới hạn việc tự chọn bao nhiêu môn mà môn học đó có nằm trong chương trình đào tạo hay không. Nếu nằm ngoài chương trình đào tạo thì môn học này không được tính điểm tích lũy và số tín chỉ yêu cầu để ra trường.

Câu 33: Các trang online dạy học tốt những môn đại cương của trợ giảng/giảng viên trong trường hoặc ngoài trường ?

Trả lời: Các GV giảng dạy môn đại cương đều xây dựng trang dạy học số, trong đó sẽ có các tài liệu , video học tập. Nếu không có SV có thể liên hệ trực tiếp người dạy thì sẽ được giới thiệu các trang online liên quan, phù hợp. Do Khoa không giảng dạy các môn đại cương nến không có nhiều thông tin.

Câu 34: Những môn nào là môn bắt buộc và môn nào là môn tự chọn ?

Trả lời: Môn bắt buộc là môn sinh viên phải hoàn thành mới đủ điều kiện xét tốt. Nhóm môn tự chọn bao gồm nhiều học phần khác nhau, sinh viên chỉ cần chọn đủ số môn để học miễn sao đảm bảo đủ số tín chỉ tối thiểu trong khối kiến thức này là đủ điều kiện tốt nghiệp. Môn bắt buộc và môn tự chọn được qui định rõ trong chương trình đào tạo của mỗi ngành.

Câu 35: Muốn tham gia tư vấn tuyển sinh ở trường THPT thì đăng ký như thế nào ?

Trả lời: Sinh viên liên hệ trực tiếp Phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên để được hướng dẫn

Câu 36: Cách để mình tính điểm quá trình các môn với điểm cuối kì ?

Trả lời: Điểm quá trình và cuối kỳ được tính tùy theo đề cương chi tiết môn học. Thông thường điểm quá trình sẽ chiếm 50% và cuối kỳ 50% điểm tổng của học phần. Điểm quá trình hay cuối kỳ được tính dựa trên nhiều cột điểm (bài tập, tiểu luận, trắc nghiệm, phỏng vấn….) với tỷ trọng khác nhau để đáp ứng các chuẩn đầu ra của môn học.

Câu 37: Năm 2 có thể đi thực tập được không?

Trả lời: Thông thường sinh viên năn 2 chưa thể đi thực tập vì lượng kiến thức chưa đủ để nắm bắt được các vấn đề thực tế. Tuy nhiên, SV có thể được sắp xếp đi tham quan để tiếp cận thực tế và làm rõ hơn lý thuyết học tại nhà trường.

Câu 38: Trong một kì được đăng kí tối đa bao nhiêu môn để học vượt ?

Trả lời: Theo quy định học kỳ học không quá 28tc. Do đó SV học vượt thì tổng só môn học vượt và môn học theo tiến độ của học kỳ có số tín chỉ không vượt 28tc

Câu 39: Thưa thầy cô, những món như giày, túi, trang sức và quần áo được dạy hết một lượt hay chia ra thành các mảng riêng ạ?

Trả lời: Các em sẽ được học về mũ, giày, nón trong môn Thiết kế phụ trang, còn về trang phục quần áo thì các em học nhiều môn vì thuộc chuyên ngành. Các em sẽ được học các mảng riêng, học về thiết kế trang phục trước, phụ trang sau. Nội dung học trang sức có thể có trong môn học chuyên đề.

 

Câu 40: Em xin hỏi là đến những đồ án lớn, cần kinh phí, đầu tư nhiều thì chúng em có được nhà trường hỗ trợ chi phí không ạ?

Trả lời: Trong chương trình đào tạo, trước khi làm đồ án tốt nghiệp thì đồ án TKTT ấn tượng có thể coi là đồ án môn học lớn. Nhưng là môn học thì nhà trường không có hỗ trợ, vì ngành nào cũng có nhiều môn đồ án lớn nhỏ, nhà trường không thể hỗ trợ chi phí cho đồ án ngành này mà không hỗ trợ cho đồ án ngành khác, vì vậy đồ án môn học thì sinh viên tự lo. Còn đồ án tốt nghiệp thì nhà trường hỗ trợ một phần chi phí không nhỏ để làm sân khấu, âm thanh, ánh sáng, poster trưng bày, trả chi phí cao cho chuyên gia hàng đầu đến chấm tốt nghiệp. Một phần khác là huy động tài trợ từ bên ngoài, như doanh nghiệp có thể tài trợ chi phí trao giải thưởng thủ khoa, á khoa, giải ba, khuyến khích của bài tốt nghiệp. Nhà trường có hỗ trợ thêm cho kinh phí làm show diễn đồ án tốt nghiệp sau khi bảo vệ, như âm thanh, ánh sáng sân khấu, một phần chi phí người mẫu chuyên nghiệp.

Câu 41: Em có thấy thông báo đăng kí môn học nhưng không đăng kí được, vậy đến bao giờ mới được đăng kí ạ?

Trả lời: Khi nhà trường mở hệ thống để đăng ký (em đọc kỹ thông báo của trường). Hiện nay SV có thể chỉ xem mà chưa đăng ký được. Thông thường SV sẽ đăng ký vào tuần đăng ký trước khi học 1 tuần (không tính 03 tuần nghỉ lễ Tết Nguyên Đán), tuần học sẽ là tuần điều chỉnh (chỉnh sửa) việc đăng ký môn học.

Câu 42: Vì chúng em là tân sinh viên, vẫn còn mới lạ với hình thức tự đăng kí môn học và cách tính điểm trên đại học, thầy cô có thể cho chúng em lời khuyên được không ạ?

Trả lời: Em kiểm tra email sinh viên, khoa đã gửi thông tin “Cẩm nang cho tân sinh viên Khoa Thời trang và Du lịch 2022”, sẽ có các hướng dẫn để sinh viên biết cách tính điểm và đăng ký môn học ở học kỳ 2 (2022-2023). Bên cạnh đó, nếu có khó khăn gì, em liên hệ các Thầy/Cô tư vấn viên hoặc Trưởng bộ môn để được hỗ trợ.

Câu 43: Thầy cô ơi cho em hỏi thời gian cụ thể cho bảo vệ đồ án tốt nghiệp của K18 của ngành TKTT là khi nào?

Trả lời: Thầy đã thông báo lớp các em là dự kiến bảo vệ tốt nghiệp trước khi nghỉ tết, vào tuần đầu tháng 1, từ ngày 2 đến ngày 7 tháng 1 năm 2023.

Câu 45: Chúng em muốn biết K18 có show tốt nghiệp hay không? Nếu có thì là show riêng hay chung với K19 ạ? Tại sao? Nếu không thì tại sao?

Trả lời: Hàng năm nhà trường cấp nguồn kinh phí cho buổi bảo vệ tốt nghiệp và show diễn bài tốt nghiệp chỉ 1 lần vào cuối học kỳ 2. Thầy cô luôn mong muốn khóa 18 các em có show tốt nghiệp riêng như thường lệ, nhưng các em bảo vệ vào học kỳ 1 không phải đúng đợt cấp kinh phí hàng năm. Kinh phí cần cho show diễn không nhỏ, nếu các em muốn làm show của đợt tốt nghiệp vào học kỳ 1 thì nên tự lo kinh phí hoặc vận động được nguồn tài trợ. Còn nếu không tự lo được thì các em vẫn có show, nhưng nhập chung với show diễn tốt nghiệp của khóa 19 vào cuối học kỳ 2. Việc nhập chung 2 lớp có mặt lợi là sẽ giúp cho buổi công diễn hoành tráng hơn, đài truyền hình đến ghi hình và phát trên HTV sẽ giúp quảng bá truyền thông của ngành.

Câu 46: Thầy cô cho chúng em hỏi tại sao trong phần thông tin học phí thì loại học phần của đồ án tốt nghiệp lại là “phí học lại” mặc dù với K18 là lần đầu. Học phí học lại có khác so với lại học phí học lần đầu hay không? Em xin cám ơn

Trả lời: Cả lớp khóa 18 các em đều xin hoãn làm tốt nghiệp 1 học kỳ, lẽ ra đúng đợt bảo vệ là vào học kỳ 2 năm học 2021-2022 thì chuyển sang học kỳ 1 năm nay. Thầy cô biết các em phải hoãn là do hoàn cảnh khách quan từ đại dịch covid, hoãn các đồ án môn học, dẫn đến quá tải, học kỳ trước lẽ ra làm đồ án tốt nghiệp thì các em phải trả nợ các đồ án môn học trước đó. Nhưng dù lý do chính đáng, theo tiến độ chương trình đào tạo của trường thì các em vẫn bị trễ 1 học kỳ, thành ra hệ thống nhà trường sẽ tính các em học vào học kỳ 9 là kéo dài, là học lại, nên bị tính phí học lại. Theo qui định học phí học lại tương được với học phí học lần đầu tùy theo từng khóa.

Câu 47: Cô cho em hỏi là đề thi ngành Quản trị Nhà hàng và Dịch vụ Ăn uống mấy năm trước lấy ở đâu ạ?

Trả lời: Sinh viên có thể lên website của khoa để xem một số đề thi và đáp án công bố mỗi học kỳ đối với các môn có tổ chức thi cuối kỳ. Bên cạnh đó, SV có thể chủ động hỏi giáo viên phụ trách đề cương để biết nội dung học và qui cách ra đề của môn học để có thể hoàn thành bài làm một cách hiệu quả nhất.

Câu 48: Cho em hỏi sinh viên ngành TKTT cần học bao nhiêu ngày thì đủ điểm chuyên đề doanh nghiệp? Hướng dẫn viết báo cáo về chuyên đề doanh nghiệp?

Trả lời: Với 30 tiết lý thuyết thì bộ môn TKTT tổ chức rải ra 3 đợt là 3 ngày, mỗi ngày 10 tiết, mời 3 chuyên gia, cũng có chuyên đề 1 buổi là 5 tiết. Em có thể liên hệ giáo viên phụ trách để biết quy cách viết báo cáo thu hoạch của môn chuyên đề doanh nghiệp.

 

Góp ý
Họ và tên: *  
Email: *  
Tiêu đề: *  
Mã xác nhận:
RadEditor - HTML WYSIWYG Editor. MS Word-like content editing experience thanks to a rich set of formatting tools, dropdowns, dialogs, system modules and built-in spell-check.
RadEditor's components - toolbar, content area, modes and modules
   
Toolbar's wrapper  
Content area wrapper
RadEditor's bottom area: Design, Html and Preview modes, Statistics module and resize handle.
It contains RadEditor's Modes/views (HTML, Design and Preview), Statistics and Resizer
Editor Mode buttonsStatistics moduleEditor resizer
 
 
RadEditor's Modules - special tools used to provide extra information such as Tag Inspector, Real Time HTML Viewer, Tag Properties and other.
   
 *

TUYỂN SINH 2024

>> CÔNG NGHỆ MAY  (AUN-QA)

Chỉ tiêu: 160 SV

>> THIẾT KẾ THỜI TRANG 

Chỉ tiêu: 60 SV

>> QUẢN TRỊ NHÀ HÀNG & DỊCH VỤ ĂN UỐNG

Chỉ tiêu: 60 SV

Xem chi tiết tại website tuyển sinh tại ĐÂY

--------------------------------------------------------------------

Truy cập tháng:3,000

Tổng truy cập:3,000

 

Copyright © 2013, Trường Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM - Khoa Thời trang và Du lịch

Địa chỉ: 1 Võ Văn Ngân, Phường Linh Chiểu, Quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.
Điện thoại: (+84-028) 38960640 hoặc (+84-028) 38968641 #8380 (VP), #8381, 8382, 8383 (BCN)
Fax: (+84 - 028) 38964922
E-mail: fft@hcmute.edu.vn

FANPAGE >>> GROUP KHOA